Việc lắp đặt và cách sử dụng máy bơm hút chân không có ảnh hưởng lớn đến hiệu quả làm việc và độ bền của bơm. Bạn mới sử dụng bơm hút chân không hoặc chưa chắc chắn về các nội dung này? HCTECH xin gửi đến bạn hướng dẫn chi tiết cách lắp đặt và sử dụng bơm đúng kỹ thuật nhất.
1. Nguyên tắc lắp đặt bơm chân không
Một hệ thống máy bơm hút chân không tại nhà máy
Có 2 nguyên tắc chính trong lắp đặt máy bơm hút chân không:
Nguyên tắc 1: Lắp loại máy bơm hút chân không tương thích
Trước khi đưa máy bơm hút chân không vào lắp đặt và sử dụng, chúng ta nên chú ý nguyên tắc quan trọng này:
- Chọn máy bơm hút chân không phù hợp với nhu cầu và môi trường nhà máy sử dụng. Chẳng hạn, các ứng dụng và môi trường chứa hơi nước, nên chọn bơm chân không vòng nước. Các ứng dụng bắt buộc không được có hơi dầu, hơi nước thì nên chọn các dòng bơm khô.
- Chọn thông số thích hợp với yêu cầu. Hiện nay có đa dạng các dòng công suất bơm để đáp ứng từng yêu cầu sản xuất: bơm hút chân không 1hp, 1.5kW, 2.2kW,…
Nguyên tắc 2: Bơm chân không nên được lắp đặt tại không gian thoáng, nhiệt độ môi trường theo dung sai nhà sản xuất
Khu vực và không gian lắp đặt cần phù hợp với mô tả trong hướng dẫn vận hành. (Hầu hết các hãng bơm hút chân không đều có hướng dẫn đi kèm với máy).
- Nhiệt độ môi trường và nhiệt độ hút được đặt trong dung sai của nhà sản xuất. Không lắp đặt bơm chân không ở môi trường có nguy cơ cháy nổ (đặc biệt là bơm vòng dầu có chứa dầu chân không).
- Đảm bảo các điều kiện môi trường tuân theo lớp bảo vệ của động cơ và các thiết bị điện.
- Đảm bảo độ kín tuyệt đối cho hệ thống hút (đường ống, van, các kết nối,…).
Bên cạnh 2 nguyên tắc chính ở trên, người lắp đặt và người vận hành cũng cần nắm rõ các hướng dẫn an toàn. Từ khâu lắp đặt, vận hành đến khâu bảo trì kiểm tra thiết bị cũng có những mối nguy hiểm mà chúng ta cần phòng tránh.
Một số lưu ý về lắp đặt bơm chân không của hãng Becker
2. Cách lắp đặt máy bơm hút chân không
Thông thường, có 2 phương án lắp máy bơm hút chân không: Kết nối trực tiếp hoặc lắp đặt thành hệ thống chân không. Việc chọn phương án lắp đặt sẽ phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng và ứng dụng của bạn.
Phương án 1: Kết nối trực tiếp với máy sản xuất
Đây là cách lắp đặt khá phổ biến hiện nay. Phương án này thường được sử dụng tại các ứng dụng dân dụng, xưởng sản xuất quy mô nhỏ. Cụ thể, bơm chân không được kết nối với các máy sản xuất để thực hiện hút chân không: kết nối với bàn hút chân không CNC, kết nối với máy định hình, kết nối với buồng quay khô bột, kết nối với bộ giác hút,…
Có 3 điểm lưu ý với phương án lắp đặt này:
- Kết nối bơm với nguồn điện theo đúng chiều quy định
- Kết nối các đường ống dẫn khí với cổng hút; hoặc kết nối cổng hút trực tiếp với đầu sử dụng.
- Đảm bảo nguồn nước cấp cho bơm (với bơm chân không vòng nước).
Phương án 2: Lắp đặt theo dạng hệ thống bơm chân không
Hệ thống bơm hút chân không cho bệnh viện
Với quy mô sản xuất lớn hoặc một số lĩnh vực thì hệ thống là cách lắp đặt máy bơm hút chân không tối ưu. Chẳng hạn như: hệ thống chân không y tế, bệnh viện; hệ thống nhiều máy trong công ty sản xuất nhựa; hệ thống bơm cho nhà máy sản xuất thực phẩm,…
Đặc điểm của phương án lắp đặt này như sau:
- Bơm chân không được kết nối với tủ điều khiển tự động, bình tích áp tạo thành hệ thống.
- Hệ thống sẽ được kết nối vào đường ống dẫn khí có sẵn
- Có thể thiết kế chương trình giúp bơm vận hành tự động, bơm luân phiên chạy giúp đảm bảo độ bền của bơm.
- Có thể tạo công suất, lưu lượng cao;
- Bình tích áp đảm bảo hoạt động trong trường hợp ngắt điện tạm thời.
Tại HCTECH, các hệ thống bơm hút chân không được kỹ thuật khảo sát thực tế, lên bản vẽ trước. Sau đó, mới thực hiện cách lắp đặt máy bơm hút chân không theo bản vẽ.
Lắp đặt bơm hút chân không trên mặt phẳng cố định, tránh bị xê dịch trong quá trình vận hành
>> Xem thêm: Cách bảo dưỡng bơm hút chân không
3. Thiết kế đường ống dẫn khí của máy bơm chân không
Hệ thống đường ống dẫn khí đóng vai trò quan trọng trong vận hành của các hệ thống chân không. Thật thiếu sót khi không nhắc đến nó ở hướng dẫn cách lắp máy bơm hút chân không này.
Đường ống của hệ thống chân không tại một nhà máy sản xuất
Khi lắp đặt bơm chân không, đường ống cần đảm bảo: kín tuyệt đối – tối ưu quãng đường ống (không quá dài và không quá nhiều gấp khúc).
Một số lưu ý lắp đặt đường ống như sau:
-
- Đường nhánh phải được nối từ đầu của đường dây chính. Không cho phép bất kỳ chất rắn hoặc chất lỏng lọt vào đường ống và máy bơm chân không.
- Đường kính của đường ống chính phải lớn hơn hoặc bằng đường kính của cổng hút
- Trên đường ống chính phải lắp đặt đoạn chống rung (ruột gà) hoặc một đoạn ống mềm từ bơm đến đường ống để giảm áp lực cho đường ống.
- Không được tự ý giảm đường kính ống chính. Nếu phải giảm đường kính ống thì phải dùng ống co ngót dần. Nếu không, sự hỗn loạn sẽ xảy ra tại mối nối, dẫn đến tổn thất áp suất lớn.
- Nên hạn chế tối đa các cút và các van khác nhau trong đường ống để giảm rò rỉ áp suất (tổn thất áp suất) của đường ống.
- Ống xả không được phép trang bị các thiết bị tiết lưu. Ống xả phải được lắp đặt sao cho tránh được các vật thể lạ quay trở lại máy bơm. Và thực hiện các biện pháp chống tĩnh điện.
- Nên trang bị bộ lọc khí (bộ lọc gió) trên đường ống hút hoặc cổng hút để ngăn ngừa dị vật vào làm hỏng máy bơm.
- Ở các máy bơm chân không vòng dầu, cổng xả thường đi kèm hơi dầu. Nên lắp đặt thêm đường ống dẫn khí xả ra khỏi phòng máy.
4. Lưu ý khi lắp máy bơm hút chân không
Hình ảnh hoàn thiện lắp đặt bơm chân không cho khách hàng, bơm được cố định trên mặt phẳng, cố định bằng bệ máy
Dù chọn phương án lắp đặt nào, thì bạn cũng cần chú một số điểm sau:
-
- Lắp đặt bơm và cố định trên mặt phẳng, tránh bị rung và dịch khỏi vị trí trong quá trình hoạt động.
- Dự trữ không gian bảo dưỡng: Nên để các khoảng cách của máy bơm hợp lý để thuận lợi cho công tác kiểm tra, bảo dưỡng sau này.
- Máy bơm hút chân không công suất lớn thường có khối lượng và kích thước lớn, cần chú ý trong di chuyển và lắp đặt để tránh hư hỏng bơm.
Việc lựa chọn vị trí và lên phương án lắp đặt máy bơm hút chân không là rất quan trọng. Có rất nhiều người sử dụng, sau khi mua máy bơm chân không thường tìm một nơi để lắp đặt và sử dụng nó. Không có kế hoạch trước nào cả. Như vậy là quá “vội vàng” và có thể sẽ dẫn đến hỏng hóc máy bơm chân không trong tương lai, khó khăn cho việc bảo trì.
Ngoài các thông tin trên, việc lắp đặt bơm hút chân không cũng có những điều chỉnh khác nhau theo thực tế của ứng dụng sản xuất, đường ống – máy sản xuất kết nối,…
Các phương án lắp đặt cần được tính toán và lên kế hoạch trước khi đưa vào sử dụng. Với các trường hợp lắp đặt phức tạp, chúng ta cần có sự hỗ trợ của kỹ thuật có chuyên môn.
5. Hướng dẫn sử dụng bơm hút chân không
Sau khi lắp đặt, người vận hành cần nắm được cách sử dụng máy bơm hút chân không dưới đây để bơm đạt các yêu cầu vận hành.
5.1. Bắt đầu vận hành bơm
Kiểm tra và đảm bảo bơm hút chân không vòng dầu đã đủ mức dầu quy định
Cấp nguồn điện phù hợp cho bơm chạy. Cấp điện để vận hành máy bơm chân không. Chú ý bơm đã đảm bảo phần kết nối điện trong cách lắp máy bơm chân không.
Kiểm tra động cơ đã được lắp đặt đúng chiều hay chưa. Một tips nhỏ cho bạn: Quay quạt động cơ bằng tay, và máy bơm phải quay trơn tru. Nếu chuyển động quay của bơm không trơn tru hoặc có âm thanh ma sát trong quá trình bơm quay thì phải tháo nắp bơm để kiểm tra khe hở của bánh công tác và điều chỉnh lại.
Đảm bảo chất lỏng công tác của bơm để vận hành:
- Đảm bảo đã cấp đủ dầu bơm hút chân không cho dòng bơm chân không vòng dầu. Thông thường ở mắt thăm dầu của các máy bơm chân không vòng dầu đều có có ký hiệu các mức Min-Max. Dầu chân không đạt mức Max là đảm bảo cho bơm vận hành.
- Với bơm hút chân không vòng nước, phải đảm bảo luôn cấp nước đầy đủ trong quá trình bơm chạy để tạo chân không và làm mát buồng bơm.
5.2. Theo dõi quá trình bơm chân không hoạt động
Sử dụng đồng hồ đo chân không để theo dõi áp suất của bơm
- Theo dõi các thông số của bơm chạy, đối chiếu và so sánh để xác định bơm đã đạt áp yêu cầu chưa. Hầu hết trong catalogue và hướng dẫn sử dụng bơm hút chân không, các nhà sản xuất đều cung cấp các thông số chính xác của bơm.
- Nếu xuất hiện các dầu hiệu bất thường trong quá trình bơm chân không hoạt động: bơm chân không không đạt áp, chạy ra khói, máy chạy kêu quá to, rung lắc quá mạnh, hay bơm vòng nước bị rò rỉ,… Bạn nên dừng máy để kiểm tra nguyên nhân và khắc phục kịp thời, tránh trường hợp bơm hư hỏng nặng thêm.
>> Xem thêm: Hướng dẫn sửa chữa bơm hút chân không vòng dầu
5.3. Dừng bơm và kết thúc ca làm
Hướng dẫn sử dụng của hãng sản xuất đi kèm với sản phẩm
- Tắt nguồn điện để dừng hoạt động của bơm.
- Sau mỗi ca làm việc, bạn nên vệ sinh bơm và loại bỏ các dị vật ở cổng hút, cổng xả để đảm bảo an toàn cho ca làm việc tiếp theo.
Cách dùng bơm hút chân không ở trên được áp dụng cho đại đa số các loại máy bơm chân không phổ biến hiện nay. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất đều có bổ sung sách (tài liệu) hướng dẫn sử dụng bơm hút chân không đi kèm với từng model máy. Bạn có thể kiểm tra và nghiên cứu thêm cách sử dụng bơm hút chân không từ các tài liệu hướng dẫn này.
HCTECH sẽ đi sâu hướng dẫn vận hành bơm chân không được dùng phổ biến nhất hiện nay.
6. Hướng dẫn vận hành máy bơm hút chân không vòng dầu
Bước 1. Kết nối cổng hút, cổng xả
a. Cổng hút
Cổng hút của bơm thường kết nối với đầu sử dụng ở các máy sản xuất.
Nên lắp đặt bầu lọc khí vào cổng hút để ngăn ngừa bụi bẩn, dị vật đi vào buồng bơm.
Cổng hút của máy bơm hút chân không vòng dầu
Nên lắp đặt bộ lọc khí ở cổng hút của máy bơm hút chân không
b. Cổng xả
Cổng xả: Vị trí không khí, hơi dầu xả ra ngoài môi trường.
Nên kết nối đường ống ở cổng xả để dẫn ra khỏi nhà máy, để tránh hơi dầu làm ảnh hưởng đến người vận hành.
Cổng xả của bơm hút chân không
Chú ý: Xác định đúng kích thước ren ở các cổng kết nối để lắp đặt chính xác nhất.
Video hướng dẫn: https://www.youtube.com/watch?v=v47xel-G7XU
Bước 2. Kết nối nguồn điện
(1) Kiểm tra tem động cơ của bơm chân không, xác định nguồn điện cần dùng.
Trên tem bơm thể hiện các thông số về motor, nguồn điện
- Với bơm chân không vòng dầu sử dụng điện 1 pha:
Việc đấu điện đơn giản như các thiết bị điện thông thường. Cấp đủ nguồn 220V, 1 pha là có thể sử dụng được.
- Với máy bơm chân không sử dụng điện 3 pha:
Tại Việt Nam, nguồn điện 3 pha sử dụng là: (50Hz, 230/400V); (230V ~ /400V ~ Y )
>> Vậy với dòng điện 3 pha: 50Hz, 380V ta sử dụng kiểu đấu sao (Y)
(2) Mở nắp hộp đấu điện: xác định phương án kết nối điện phù hợp.
Hộp đấu điện của bơm
Thông thường, ở mặt sau của nắp hộp đấu điện sẽ có hướng dẫn chi tiết về cách đấu điện cho từng nguồn điện.
- Cách đấu tam giác (ký hiệu hình tam giác )
- Cách đấu sao (ký hiệu Y).
(3) Tiến hành kết nối điện
Cho dây điện qua vị trí luồn dây. Kết nối theo sơ đồ đấu điện đã xác định ở trên.
Hộp đấu điện khi chưa đấu
Hình ảnh kết nối điện theo hình sao
(Đây là hình ảnh đấu tạm thời, nên dây điện không dẫn qua vị trí luồn dây)
(4) Vận hành thử đảm bảo đúng chiều quay của buồng bơm
Kết nối điện và vận hành thử để đảm bảo bạn đã kết nối đúng chiều quay của buồng bơm.
Cách đơn giản nhất để xác định: bạn đặt tay vào cổng hút của bơm, thấy có lực hút vào là đã lắp đặt đúng chiều. (Nếu ở cổng hút có khí đẩy ra bên ngoài, cần tiến hành đảo pha nguồn điện của động cơ để được đúng chiều quay).
Chú ý: Sau khi xác định đúng chiều quay của buồng bơm. Kết nối điện lại và đóng nắp hộp đấu điện.
Video hướng dẫn: https://www.youtube.com/watch?v=7spMqaPwUzA
Bước 3. Kiểm tra dầu trước khi vận hành
Kiểm tra bơm chân không đã đủ dầu trước khi vận hành. Hầu hết các máy bơm hút chân không vòng dầu mới đều không có sẵn dầu (do đảm bảo quá trình vận chuyển thiết bị).
a. Cách kiểm tra
Quan sát qua mắt thăm dầu. Dầu chân không ở dưới vị trí Min là máy đang thiếu hoặc chưa có dầu.
b. Bổ sung dầu chân không cho bơm
Vị trí để đổ dầu chân không
(1) Mở nắp đổ dầu
(2) Dùng dụng cụ chuyên dụng (ca, phễu) đổ dầu vào buồng dầu qua nắp đổ
(3) Đổ dầu đến khi dầu đạt vị trí Max là hoàn thành.
(4) Đóng nắp đổ dầu.
Lưu ý: Quá trình vận hành nên kiểm tra (thay thế, bổ sung dầu) đảm bảo dầu chân không luôn duy trì ở giữa Max và Min.
Video hướng dẫn: https://www.youtube.com/watch?v=TI9hrObXTI4
Bước 4. Vận hành máy bơm hút chân không
Sau khi hoàn thành tất cả các công đoạn ở trên, máy bơm hút chân không vòng dầu của bạn đã có thể vận hành được.
Trong quá trình vận hành cần lưu ý:
- Dừng bơm nếu có dấu hiệu bất thường trong quá trình vận hành.
- Thay thế dầu chân không định kỳ sau 500-600h bơm chạy.
- Kiểm tra, bảo dưỡng và thay thế phụ kiện của bơm theo yêu cầu của nhà sản xuất. (Thay thế lọc tách dầu, lọc dầu, bộ lọc khí sau 2500-3000h bơm chạy).
Với mỗi sản phẩm máy bơm hút chân không bàn giao cho khách hàng, công ty HCTECH có đính kèm thêm các hướng dẫn sử dụng.
7. Video hướng dẫn
Để thuận tiện cho khách hàng trong việc lắp đặt, sử dụng, kỹ thuật viên của HCTECH có video hướng dẫn chi tiết từng bước. Bạn đọc có thể thao khảo thêm video hướng dẫn cách lắp máy bơm hút chân không:
Video hướng dẫn cách kết nối, lắp đặt và sử dụng bơm chân không
Theo dõi series video hướng dẫn đầy đủ: TẠI ĐÂY
8. Cách sử dụng máy bơm hút chân không đảm bảo tuổi thọ
Hướng dẫn cách sử dụng bơm hút chân không đi kèm sản phẩm bàn giao tại HCTECH
Ngoài việc tuân thủ đúng hướng dẫn sử dụng bơm hút chân không ở trên, người vận hành đừng bỏ qua một vài lưu ý quan trọng sau:
- Với bơm hút chân không vòng dầu: thay thế dầu bơm chân không định kỳ sau 500-600h bơm hoạt động. Nên sử dụng dầu chân không đảm bảo chất lượng và phù hợp với máy bơm.
- Thay thế các phụ kiện (lọc dầu, lọc tách dầu,…) định kỳ theo khuyến cáo của hãng sản xuất.
- Ghi lại ngày thay dầu và theo dõi lịch bảo dưỡng của máy bơm.
- Nên kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ để tăng tuổi thọ cho bơm.
- Việc tìm nguyên nhân và sửa chữa bơm chân không hư hỏng cần những người có chuyên môn, để tránh gây ra những sự cố không đáng có.
Trên đây là các thông tin hướng dẫn cách lắp máy bơm hút chân không và cách sử dụng máy bơm hút chân không đúng kỹ thuật. Hy vọng các thông tin giúp ích cho bạn trong quá trình sử dụng thiết bị này.
Nếu quá trình lắp đặt và sử dụng của bạn gặp vấn đề, liên hệ kỹ thuật viên của HCTECH để hỗ trợ bạn nhanh chóng và kịp thời: HOTLINE: 0904.643.816 hoặc 0902.176.051
Có thể bạn quan tâm: Cách sửa chữa bơm chân không vòng nước
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.